Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tháng 7, Lời tri ân

2023-07-27 10:02:00.0

Tháng 7 về, đất trời vào hạ, lòng người như lắng lại hướng về với cội nguồn, hướng về những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì màu cờ Tổ quốc, giữ vẹn toàn từng tấc đất quê hương. Tháng 7 về, khiến ta nhớ đến hình ảnh từng đoàn quân hừng hực ra trận, băng rừng lội suối, xông lên trong mưa bom bão đạn, bất chấp hiểm nguy tính mạng. Trong số họ có những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, họ đã hóa thân trong dáng hình đất nước, để hôm nay chúng ta tự hào gọi tên Việt Nam.

Những chàng trai đang ở giữa tuổi thanh xuân, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Những cô gái trở thành thanh niên xung phong ở tuổi mười tám đôi mươi, tóc thắt bím, căng tràn sức sống, lòng phơi phới và đầy mộng mơ. Họ mơ về ngày đất nước mình hòa bình, mơ về tương lai tươi đẹp của dân tộc, mơ lại được cắp sách đến giảng đường, được trở thành cô giáo, bác sĩ, kỹ sư,… Những giấc mơ tưởng chừng rất đỗi bình dị đối với thời bình, nhưng giấc mơ ấy đã không tròn. Chiến tranh đánh thức họ để thấy đất nước mình đang lâm nguy, từng mảnh đất còn rền vang tiếng súng, ở miền Nam ruột thịt kẻ thù vẫn còn giày xéo. Họ đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, họ đành gác lại những giấc mơ còn dang dở, những buổi lên lớp với phấn trắng, giảng đường,… tất cả cùng hành quân ra trận. “Ra trận” đã trở thành lý tưởng sống một thời của thế hệ thanh niên như nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” từng viết: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí...”. Bởi thế mới có những chàng trai mặc dù chưa đủ tuổi vẫn viết thư xin được nhập ngũ, thậm chí viết bằng máu để thể hiện quyết tâm của mình. 

Vẫn còn đó hình ảnh những người vợ, người mẹ ngậm ngùi tiễn chồng, tiễn con lên đường. Những người vợ trẻ vừa mới kết hôn hôm trước, hôm sau chồng đã tòng quân ra trận, bao luyến lưu, bịn rịn, không khi nào trở về, nhưng vẫn tình nguyện thay chồng gánh vác việc gia đình, chăm sóc cha mẹ già, nuôi con thơ, cày cấy ruộng nương, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Những người mẹ nén lại những giọt nước mắt, dõi theo con trong phút đưa tiễn dẫu biết các anh ra đi không hẹn ngày trở về. Chỉ hẹn ngày đất nước hòa bình, các anh lại về ôm mẹ… 

Chiến tranh quá khốc liệt, khi kẻ thù rắp tâm đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, đem bom bắn phá tận miền Bắc, rải bom sinh học thiêu trụi những cánh rừng triệt tiêu giống nòi... Bằng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo, hành hình tra tấn dã man nhất, chúng điên cuồng càn quét, tiêu diệt những con người mà chúng gọi là “Việt cộng”, “Cộng sản” lúc bấy giờ. Nhưng bọn chúng không hiểu được rằng, tình yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong tất cả chuẩn mực hệ giá trị con người Việt Nam và “Tình yêu nước có thể biến thành sức mạnh phi thường, sẵn sàng kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”. 

Bằng ý chí quyết tâm, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những thế hệ con người Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, xả thân, hy sinh để chiến thắng kẻ thù. Cho dù kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại,... chúng ta vẫn quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Bắc Nam sum họp một nhà. Đó là ngày được mong chờ nhất của cả dân tộc, ngày của hòa bình, ngày biến giấc mơ của những cô gái “mãi mãi tuổi 20” trở thành sự thật. 

Chiến tranh đã qua đi, nhưng biết bao con người đã không may mắn được trở về, họ nằm lại trong lòng đất mẹ. Có những nấm mộ có tên có tuổi, nhưng cũng có những nấm mộ liệt sĩ chưa biết tên, thậm chí không tìm thấy hài cốt. Thân thể và linh hồn họ đã hóa thân vào từng cành cây, ngọn cỏ: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ.../ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”.

Có những người may mắn trở về nhưng một phần thân thể “gửi lại” nơi chiến trường, để những đêm trái gió trở trời những vết thương lại hằn lên đau nhức. Có những gia đình bị nhiễm chất độc hóa học, sinh ra những đứa trẻ tật nguyền, là hậu quả của chiến tranh, của tội ác bọn đế quốc để lại, như một nỗi đau hiện hữu không thể xóa mờ. Nhưng người đau khổ nhất, mất mát nhất khi nghe tin các anh chị hy sinh lại là những người cha, người mẹ Việt Nam anh hùng. Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã viết trong bài hát “Người mẹ Quảng Nam”: “Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê/ Chín con ra đi không một đứa trở về/ Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ/ Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn…”.

Đi dọc tuyến đường Trường Sơn, quốc lộ 1A, 14B,... dường như mỗi huyện đều có nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Có lẽ không đâu trên thế giới lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như đất nước Việt Nam. Thời gian sẽ chữa lành những vết thương chiến tranh, những hố bom rồi sẽ được lấp đầy bằng những công trình khang trang, hiện đại, nhưng hình ảnh những người đã khuất trong lòng người còn sống vẫn hiện hữu, như nỗi đau không thể lấp đầy. 

Kể từ ngày 8/7/1975, theo chỉ thị 223/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân đối với các anh hùng thương binh, liệt sĩ - những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Vào những ngày này hàng năm, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội đều thể hiện lòng biết ơn qua các hoạt động “Về nguồn” đầy ý nghĩa, thiết thực, phần nào xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Đồng thời, thông qua đó giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng thương bệnh binh, liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng vì những cống hiến của họ không thể đong đếm được.

Tác phẩm Khoảng trời, hố bom của nhà thơ Lâm Thị Vĩ Dạ nói về một cô gái mở đường trẻ trung đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Ca ngợi sự hi sinh cao cả của người thiếu nữ thanh niên xung phong kiên cường. Cái chết thật thiêng liêng mà cũng thật bình dị. Sự hy sinh thầm lặng của các cô gái đã đi vào lòng những người còn sống

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
– Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1450136