Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm từ Điền Công

2017-10-05 07:17:00.0

Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại xã Điền Công, T.P Uông Bí (Quảng Ninh), là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ chuyến đi này, Đoàn công tác đã được tiếp cận với một số cách làm sáng tạo để vận dụng vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
 
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên thăm Nhà văn hóa thôn 1, xã Điền Công.
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên thăm Nhà văn hóa thôn 1, xã Điền Công.
 

Từ kinh nghiệm của xã về đích sớm

Điền Công là xã thuần nông với phần lớn người dân sống bằng nghề trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Xã có diện tích tự nhiên hơn 12 km2, dân số gần 2.000 người, 474 hộ, chia thành 3 thôn. Năm 2010, khi Đề án xây dựng NTM của xã được phê duyệt, Điền Công mới đạt được 9/19 tiêu chí. Ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND xã Điền Công cho biết: Xác định tuyên truyền là khâu quan trọng nên ngay từ những ngày đầu triển khai, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân được bàn bạc, đóng góp ý kiến vào Đề án xây dựng NTM của xã. Đồng thời, cô đọng nội dung vào một bản cam kết, trong đó, ghi rõ 19 tiêu chí thì tiêu chí nào Nhà nước làm, tiêu chí nào người dân làm và cách làm như thế nào. Sau đó, cán bộ xã mang bản cam kết đó tới từng gia đình, trao đổi để người dân hiểu và ký cam kết chung tay xây dựng NTM. Từ cách làm này, ở nội dung nào, người dân cũng đều nhiệt tình ủng hộ.

Để hoàn thành tiêu chí thu nhập, Điền Công đã mời các chuyên gia nông nghiệp về khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước. Từ đó, xã quyết định đưa con tôm, cá rô phi đơn tính, cây dưa (dưa hấu, dưa gang, dưa lê) và khoai lang vào nuôi, trồng thí điểm. Đồng thời, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Sau 2 năm triển khai, các loại cây trồng đều cho năng suất, chất lượng tốt, trong đó, cây dưa cho thu nhập từ 110 đến 120 triệu đồng/ha. Về nuôi trồng thủy sản, người dân đã bỏ hình thức tự phát, chuyển sang hình thức canh tác thâm canh và bán thâm canh. Đến nay, xã đã có 22 trang trại, gia trại thu lãi trung bình từ 120 đến 140 triệu đồng/năm/trang trại. Bà Vũ Thị Lọ, ở thôn 1 cho biết: “Xã đã giúp chúng tôi định hướng để đưa các giống cây, con năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất quê hương vào canh tác. Nhờ đó, đời sống của chúng tôi từng bước được thay đổi, thu nhập được nâng cao”. Ngoài ra, Điền Công cũng có sáng kiến thành lập các tổ vay vốn do chủ tịch các hội, đoàn thể xã làm tổ trưởng, giúp nhân dân viết đề án, vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Các hộ dân có nhu cầu, chỉ cần đăng ký, cán bộ ngân hàng xuống tận nơi để giải ngân. Với cách làm này, nhiều người dân trong xã đã có vốn mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Tính đến cuối năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,7% (giảm 15,4% so với năm 2010), thu nhập bình quân đạt 20,3 triệu đồng/người/năm (tăng 8,1% so với năm 2010).

Trong việc huy động thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền xã đã vận động doanh nghiệp theo hình thức “chìa khóa trao tay”, nghĩa là các doanh nghiệp đưa đội thi công đến xây dựng xong mới bàn giao cho xã quản lý, sử dụng và tất cả sự hỗ trợ đều thực hiện theo nguyên tắc tài chính thu, chi qua hệ thống Kho bạc thành phố. Với cách thực hiện công khai, minh bạch như vậy, trong 2 năm, Điền Công đã được các doanh ngiệp ủng hộ hơn 3,5 tỉ đồng. Ngoài doanh nghiệp, nhân dân trong xã đã hiến 4.650m2 đất, tháo dỡ tài sản trị giá hơn 1,5 tỉ đồng; tự xây các công trình gia đình trị giá gần 28 tỉ đồng; ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội là hơn 94 tỉ đồng và đầu tư cho phát triển sản xuất 6,4 tỉ đồng.

Nghĩ đến các xã của tỉnh ta

Tìm hiểu chương trình xây dựng NTM của Điền Công, Đoàn công tác của tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của xã trong hơn 2 năm qua. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh nhận xét: Quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM của Điền Công có nhiều cách làm hay để các xã của tỉnh ta học hỏi. Cụ thể là xã đã nâng cao được đời sống nhân dân thông qua xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của địa phương; phương pháp huy động nguồn vốn vay của ngân hàng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay rất sáng tạo và đáng ghi nhận. Đặc biệt là việc không có doanh nghiệp nào đặt trụ sở trên địa bàn nhưng Điền Công vẫn huy động nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp hiệu quả. Trong vấn đề này, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của T.P Uông Bí với việc tổ chức Hội nghị “Công -Nông - Lực lượng vũ trang chung tay xây dựng NTM” cho xã. Để từ đó, Điền Công có “cái gậy” vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phổ Yên, một cán bộ trong Đoàn công tác cho biết: Phổ Yên có 15 xã đang triển khai xây dựng NTM, trong đó, 2 xã Đồng Tiến, Nam Tiến đã thực hiện được 15 tiêu chí. Qua chuyến tham quan học tập này, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để đẩy nhanh quá trình triển khai, sớm đưa các xã của huyện cán đích. Một trong số đó có công tác tuyên truyền, mặc dù huyện Phổ Yên đã thực hiện rất tốt công tác này, nhưng Điền Công sáng tạo hơn ở chỗ cụ thể hóa 19 tiêu chí để người dân ký cam kết. Do đó, quá trình triển khai thực tế có nhiều thuận lợi và tốc độ nhanh chóng hơn. Ngoài ra, để hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư, Điền Công cũng khá năng động trong việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ 20 đến 50 triệu đồng/hộ để xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.

Thực tế từ chuyến công tác cho thấy, Điền Công có nhiều phương pháp triển khai xây dựng NTM hiệu quả mà các xã của tỉnh ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, các cán bộ trong Đoàn công tác của tỉnh cũng tiếp cận thêm được một số cách làm hay để từ đó áp dụng có hiệu quả vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh ta.

                                                                                                  Nguồn: Báo thainguyendientu



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1449755